Vùng núi Langbiang ngày càng nổi tiếng và đang trở thành một trong những địa điểm du lịch không thể bỏ lỡ tại thành phố Đà Lạt ngàn hoa trong những năm gần đây.

Với thời tiết mát mẻ quanh năm cùng vô số mỹ cảnh do thiên nhiên ưu đãi, Langbiang đang được khai thác tối đa để phục vụ nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của du khách. Đồng thời chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và đường cao tốc cũng góp phần làm cho giá trị đất nền ở Đà Lạt gia tăng chóng mặt.

5552a3 7f67661349fd4d8a8f9e564be57bce6d mv2

 

Theo xu thế thị trường, diện tích đất nông nghiệp ở Lâm Đồng, cụ thể là vùng núi Langbiang màu mỡ ngày càng bị thu hẹp do chuyển đổi mô hình kinh tế.

Cùng lúc, tác động kinh tế của dịch COVID và những thách thức như biến đổi khí hậu, khan hiếm nguồn lực, khiến nông dân nơi đây dần từ bỏ các trang trại cà phê của mình hoặc chuyển sang các loại nông sản ít rủi ro và ổn định hơn như hoa hồng, dâu tây hoặc các loại rau củ.

Trong nỗ lực thay đổi cho một tương lai tươi sáng hơn, Marian – chủ thương hiệu Zanya Coffee & Roastery, đã chuyện trò với tạp chí Đặc Đen Đắng về dự án canh tác THA1 – một giống cà phê mới đầy tiềm năng mà theo như anh gọi là ‘ánh sáng cuối đường hầm cho Langbiang.’

Hạt giống được ươm bằng niềm đam mê của Slovakia và kỹ nghệ Việt

Marian sinh ra ở Slovakia và trong viếng thăm Việt Nam vào mùa hè năm 2016, anh đã gặp chị Lim. Chị là người Lạch – một nhóm nhỏ của dân tộc K’ho. Bộ tộc này đã trải qua nhiều thế hệ canh tác cà phê nhưng chủ yếu là sản lượng nhỏ-vừa.

Lúc bấy giờ, họ sản xuất phần lớn là cà phê kém chất lượng nên cũng không thu lại được nhiều lợi nhuận.

Với người trồng ở đây, cây cà phê chỉ là kế mưu sinh. Họ không thực sự biết được chất lượng thành phẩm của chính mình làm ra. Mối quan hệ giữa nông dân và cây cà phê do vậy cũng không có cơ sở để phát triển sâu sắc hơn trong khi cà phê là nguồn thu nhập cha truyền con nối của các hộ gia đình này.

Vợ chồng Marian và Lim quyết định cùng nhau thành lập thương hiệu Zanya với quyết tâm thay đổi tình trạng đó. Các thành viên trong gia đình Lim cùng bắt tay với những người nông dân ở xung quanh núi Langbiang để thực hiện cải cách sản xuất cà phê. Năm nay sẽ là vụ mùa cà phê thành công thứ 4 của họ.

Thay vì chỉ bán trái tươi như trước, họ tập trung nhiều hơn vào sơ chế và rang cà phê Arabica chất lượng cao, tận dụng cải thiện chất lượng nhờ lợi thế sinh trưởng của khí hậu ở 1500-1650 mét so với mực nước biển.

5552a3 5322701ebcdf4fbbbd2d74cf1b77b0de mv2

Mọi chuyện vẫn đang trên đà phát triển ổn định cho đến khi dịch Covid xảy ra. Tỷ lệ diện tích cà phê vốn đã giảm nhiều ở Lâm Đồng trong những năm gần đây càng nghiêm trọng hơn.

Trước nguy nan, Marian cùng và Lim vẫn quyết tâm cố gắng tìm kiếm cơ hội đưa mọi người quay trở lại canh tác cà phê. Anh tin rằng thị trường cà phê chất lượng cao Việt Nam đang có nhiều cơ sở phát triển tốt và có thể đem lại nhiều cơ hội thay đổi đời sống cho người làm cà phê nếu biết cách khai thác tốt .

Vì vậy, họ đã kết nối cùng với một số nhà sản xuất ở Langbiang và tìm hiểu một số nghiên cứu về giống cà phê.

”Sau khi liên hệ với trung tâm nghiên cứu cà phê Việt Nam Eakmat tại Đắk Lắk, chúng tôi chọn mua thử 5.000 giống cây THA1 để trồng thử nghiệm, tuy nhiên nông dân đã liên tục đề nghị tăng quy mô trồng do đánh giá cao tiềm năng của giống cây này.”

Hiện tại, giống THA1 đã được trồng với quy mô gần 20.000 cây xung quanh vùng LangBiang bởi nhiều nông hộ khác nhau.

Vậy giống THA1 là gì, và tại sao lại được chọn cho dự án này?

Theo báo cáo Nghiên cứu tuyển trọn một số giống cà phê chè (Coffea arabica L.) đạt năng suất, chất lượng cao tại Lâm Đồng của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), canh tác cà phê Arabica ở tỉnh Lâm Đồng vẫn còn nhiều hạn chế.

Hầu hết diện tích trồng ở các vùng là giống Catimor đang trong tình trạng già cỗi dần, “giống Catimor có khả năng thích ứng rộng nhưng chất lượng cà phê nhân sống cũng như cà phê tách chưa cao”.

Giống Catimor hiện nay đa số đã bị nhiễm bệnh gỉ sắt nên cần phải có giống mới thay thế và làm phong phú thêm cho sản phẩm cà phê chè (Arabica) Việt Nam. Trước những nhu cầu này, WASI đã và đang khuyến khích các chương trình canh tác cho THA1, THA2, THA3.

THA1 là giống lai thế hệ thứ 5 giữa “giống Catimor với các vật liệu cà phê chè có nguồn gốc hoang dại từ Ethiopia”.

THA1 kết hợp được các đặc điểm sinh trưởng, cây thấp và tán nhỏ, khả năng cho năng suất cao, tính thích ứng tốt, kháng được bệnh gỉ sắt của giống Catimor với những đặc điểm “hạt to, phẩm chất hương vị của các vật liệu cà phê chè từ Ethiopia”. (Báo cáo tổng kết, Phần 2. Tổng quan tình hình nghiên cứu)

 

Marian hào hứng cho biết:

“Cây cà phê hiện tại ở Langbiang đã già cỗi, sản lượng trái trên từng cây đang giảm dần. Vì vậy, chúng tôi rất vui khi thấy một số cây mới đang được gieo trồng.

Sau khi nếm thử giống THA1 trồng ở các nông trại khác, hương hoa và trái cây tuyệt vời của loại cà phê này đã khiến chúng tôi phải ngạc nhiên. Đặc biệt hơn là khả năng kháng bệnh tốt và năng suất cao của giống, điều này rất quan trọng với người nông dân.

Hy vọng rằng điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của Langbiang có thể làm cho THA1 thực sự tỏa sáng.”

Sớm nhất thì cũng phải 3 năm sau, chúng ta mới có thể nhìn thấy vụ mùa đầu tiên kết-quả, và ngoài ‘gieo trồng’ tia hy vọng mới cho cho các đồn điền, Marian và Lim cũng đang ‘ươm mầm’ đam mê với sự nghiệp trồng trọt cà phê cho lớp trẻ của dân tộc K’ho.

5552a3 631842185f0041cebe3382590cad2d52 mv2

 

Độ tuổi trung bình của nông dân ngày càng cao và lực lượng lao động trẻ mong muốn tìm cơ hội nghề nghiệp ở thành phố hơn so với việc tiếp nối truyền thống công việc của gia đình. Đây là một vấn đề chung trên toàn cầu.

Khi các khu vực đô thị ngày càng lớn, tài nguyên sản xuất cà phê và diện tích đất trồng cà phê ngày càng giảm, thách thức đối với canh tác cà phê nói chung sẽ tăng cao.

Như vậy chúng ta khó có thể kìm hãm tình trạng cà phê kém chất lượng vì sức ép từ giá cả thị trường và áp lực lợi nhuận.

Tuy nhiên, những thách thức này chỉ giúp Marian và Lim nỗ lực nhiều hơn:

“Mỗi năm chúng tôi đều thấy thị trường đang tiến triển theo chiều hướng tốt và cũng có thể dự đoán được nhu cầu ngày càng tăng đối với cà phê ở đây. Những giống cây mới đang được gieo trồng càng tiếp thêm động lực mạnh mẽ cho chúng tôi trong tương lai.”

Ngoài nông trại của Zanya, giống THA1 đồng thời cũng đang được trồng tại Trang trại Radar. Họ đã cho trồng thử nghiệm THA1 cách đây 4 năm và sau khi nhận thấy tiềm năng tích cực của giống, anh Dũng, chủ trang trại quyết định mở rộng quy mô trồng.

Đây là một tin tuyệt vời vì càng có nhiều nơi sản xuất, THA1 càng dễ tiếp cận đến khách hàng.

Zanya có kế hoạch gì cho tương lai?

Marian tràn đầy niềm tin về tương lai và đã sẵn sàng cho một hành trình dài.

“Cũng phải mất một vài năm cho đến khi chúng ta được nhìn thấy những trái cà phê đầu tiên. Chúng tôi sẽ áp dụng các phương pháp trồng trọt và chế biến tốt nhất để đảm bảo loại cà phê này phát huy được hết tiềm năng của nó ”.

Với mô hình sinh thái tổng hợp từ trang trại, cơ sở sơ chế, xưởng rang xay và cửa hàng cà phê trong cùng một địa điểm, anh còn có dự định tổ chức những chuyến thăm đến vùng trồng cà phê Việt Nam cho những người yêu cà phê từ khắp nơi trên thế giới.

“Khi thế giới ngày càng quan tâm đến cà phê Việt Nam, chúng tôi muốn cho du khách và những người đam mê cà phê thấy rằng họ có thể tìm thấy cà phê đẳng cấp quốc tế tại Langbiang.”

5552a3 24f0be19b8e94a789bc13980f7b4d5e9 mv2

 

Zanya Coffee & Roastery với châm ngôn chất lượng quan trọng hơn số lượng, đã thành công khi xây dựng phát triển mạng lưới cộng đồng cà phê Đặc Sản Việt Nam. Vùng núi Langbiang thực sự là một trong số ít những viên ngọc quý, nơi đã ươm trồng những loại cà phê Arabica với hương vị thơm ngon độc đáo.

Mục tiêu của Zanya Là tiếp tục tạo động lực cho nông dân trồng cà phê để cải thiện cuộc sống của những người con dân xứ núi tuyệt mỹ này.

Nguồn: https://www.dacdendang.com/post/tha1-%C3%A1nh-s%C3%A1ng-n%C6%A1i-cu%E1%BB%91i-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-h%E1%BA%A7m-%E1%BB%9F-d%C3%A3y-langbiang