Site icon Vina Nha Trang

Đại hội tổng kết Nhiệm kỳ IX (2017 – 2020) và bàn phương hướng công tác Nhiệm kỳ X (2021 – 2024) của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA)

Thực hiện quy định của Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, được sự đồng ý theo Công văn số 6606/BNV-TCPCP ngày 24 tháng 12 năm 2021 của Bộ Nội vụ về việc tổ chức Đại hội Nhiệm kỳ X (2021 – 2024), Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam đã tiến hành Đại hội tổng kết Nhiệm kỳ IX (2017 – 2020) và bàn phương hướng công tác Nhiệm kỳ X (2021 – 2024).

Thời gian diễn ra Đại hội: từ 08h00 đến 14h00 ngày 28/12/2021 trực tiếp tại hai đầu cầu Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh kết hợp trực tuyến trên nền tảng zoom.

Tham dự Đại hội có các đại biểu:

+ Phía Bộ Nông nghiệp và PTNT có Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng; Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế; Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng Trọt; Bà Vũ Thị Thanh Xuân, Phó trưởng phòng Thi đua khen thưởng, Vụ Tổ chức Cán bộ;

+ Phía Bộ Nội vụ có Bà Thang Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ; Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Chuyên viên Cao cấp Vụ Tổ chức phi chính phủ;

+ Phía Bộ Công thương có Bà Trịnh Huyền Mai, Phó trưởng phòng Chính sách thương mại, Cục Xúc tiến thương mại;

Cùng gần 50 Hội viên đến tham dự và trên 10 cơ quan báo chí, truyền hình đến đưa tin.

Ảnh: Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT phát biểu chỉ đạo tại Đại hội

Trong nhiệm kỳ IX, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam đã tổ chức Tổng kết 30 năm thành lập Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, 30 năm gia nhập Tổ chức Cà phê Quốc tế; Triển khai chiến lược chuyển giai đoạn ngành cà phê sang thời kỳ mới.

Hiệp hội còn kiến nghị với Chính phủ và các Bộ ngành tạo điều kiện cho người nông dân và doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư sau thu hoạch, tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ người trồng cà phê và kết nối thị trường xuất khẩu …; Kiến nghị làm việc với Chính phủ các nước sản xuất cà phê lớn thống nhất những biện pháp phối hợp với Việt Nam giúp giá cà phê tăng lên đảm bảo đời sống cho người nông dân; Tham gia ý kiến để đàm phán sửa đổi, bổ sung Hiệp định Cà phê Quốc tế (ICA) 2007, tập trung vào những vấn đề liên quan đến vai trò và quyền lợi của Việt Nam tại ICO; Phối hợp triển khai thực hiện Đề án cấp chứng nhận nhãn hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao.

Hiệp hội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Viện WASI xây dựng Quy trình trồng xen trong vườn cà phê, kết hợp triển khai Đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh cà phê Việt Nam theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2030”; Phối hợp với Bộ Nông nghiệp, Bộ Khoa học Công nghệ hoàn thiện và ban hành Tiêu chuẩn quốc gia về cà phê hòa tan nguyên chất và Quy phạm thực hành vệ sinh trong chế biến cà phê; Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm có nguồn gốc thực vật của Bộ Nông nghiệp; Kiến nghị Bộ Nông nghiệp ban hành văn bản hướng dẫn về sử dụng thuốc diệt cỏ; Phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật tổ chức Đoàn khảo sát việc sử dụng thuốc diệt cỏ trong cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên để loại bỏ hoạt chất glyphosate đáp ứng yêu cầu an toàn của EU (dư lượng tối đa cho phép giảm từ 0,1mg/kg xuống còn 0,05 mg/kg kể từ 01/11/2020); Khảo sát và đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 tới sản xuất cà phê, chuỗi cung ứng và tiêu thụ cà phê trong nước để báo cáo các bộ ngành và trình Chính phủ.

Đẩy mạnh tiêu thụ trong nước thông qua Lễ kỷ niệm Ngày Cà phê Việt Nam hàng năm kết hợp với Hội nghị tổng kết các niên vụ cà phê; Cập nhật và cung cấp thông tin thường xuyên hàng ngày cho toàn thể hội viên về diễn biến giá cà phê, tình hình thị trường trong và ngoài nước cũng như các chính sách liên quan để Hội viên kịp thời nắm bắt và xử lý thông tin; Hoàn thiện nội dung bộ tài liệu thông tin tổng quan về cà phê Việt Nam (Vietnam coffee profile) gửi cho ICO sau khi lấy ý kiến các ủy viên Ban Chấp hành và được Bộ Nông nghiệp phê duyệt vào năm 2018.

Hiệp hội tổ chức đoàn tham gia hội nghị và hội chợ triển lãm chuyên ngành về cà phê tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Brazil; Phối hợp với Đại sứ quán các nước tổ chức Hội thảo quốc tế tại Việt Nam; Ký biên bản hợp tác về cà phê với Hiệp hội cà phê Châu Á (ACA) năm 2019.

Hiệp hội tiếp tục là đầu mối tham gia các cuộc họp với Diễn đàn Cà phê toàn cầu (GCP), Liên đoàn Cà phê Đông Nam Á (ACF) và ICO.

Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam và các lãnh đạo Ban Chấp hành Hiệp hội được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT năm 2020 và năm 2021 vì những thành tích trong sự nghiệp phát triển ngành cà phê.

Ảnh: Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh trao bằng khen cho tập thể Hiệp hội và lãnh đạo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam

Có được thành tích trên là do sự chủ động, bám sát tình hình, kịp thời kiến nghị và đề xuất các ý kiến với Chính phủ, các Bộ ban ngành địa phương hỗ trợ, sự tham gia tích cực của các Hội viên đặc biệt là các uỷ viên Ban chấp hành và văn phòng Hiệp hội.

Đại hội đã bầu ra 21 thành viên tham gia Ban chấp hành Hiệp hội nhiệm kỳ X (2021-2024) và Ban Chấp hành Hiệp hội đã họp phiên thứ nhất để bầu ra các chức danh cụ thể như sau:

    1. Chủ tịch: Ông Nguyễn Nam Hải – Tổng Giám Đốc Công ty Cổ phần giám định Cà phê và hàng hóa XNK (Cafecontrol)
    2. Phó Chủ tịch: Ông Thái Như Hiệp – Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Vĩnh Hiệp
    3. Phó Chủ tịch: Ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn INTIMEX
    4. Phó Chủ tịch: Ông Phan Xuân Thắng – Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Cà phê Việt Nam – Công ty TNHH MTV
    5. Phó Chủ tịch: Ông Bạch Thanh Tuấn – Giám Đốc Công ty TNHH MTV Phát triển cộng đồng (CDC)
    6. Ủy viên: Ông Lê Tiến Hùng – Chủ tịch HĐTV – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV XNK 2/9 Đăklăk
    7. Ủy viên: Ông Nguyễn Văn Bình – Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Việt Đức
    8. Ủy viên: Bà Đinh Nguyễn Thùy Dung – Giám đốc Công ty TNHH Hồ Phượng
    9. Ủy viên: Ông Vương Văn Hải – Chủ tịch Hội Cà phê Sơn La
    10. Ủy viên: Ông Nguyễn Văn Hoàng – Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khí Vina Nha Trang
    11. Ủy viên: Ông Nguyễn Phi Khanh – Giám đốc Công ty Cổ phần Agrexport
    12. Ủy viên: Bà Nguyễn Thị Hồng Minh – Giám đốc Công ty TNHH XNK Cà phê Minh Tiến
    13. Ủy viên: Ông Ngô Xuân Nam – Tổng Giám đốc Công ty CP MASCOPEX
    14. Ủy viên: Bà Quách Trần Mai Nguyên – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cà phê Tín Nghĩa
    15. Ủy viên: Ông Nguyễn Cao Nhơn – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tổng Công ty Tín Nghĩa
    16. Ủy viên: Ông Nguyễn Văn Phú – Giám đốc Công ty TNHH MTV cà phê Ia Grai
    17. Ủy viên: Bà Đinh Thị Phượng – Giám Đốc Trung tâm Phát triển doanh nhân Việt Nam
    18. Ủy viên: Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh – Phó Tổng Giám Đốc Công ty CP Giao dịch hàng hóa Việt Nam
    19. Ủy viên: Ông Phạm Thắng – Tổng Giám Đốc Công ty TNHH Sản xuất và TM Cát Quế
    20. Ủy viên: Ông Lê Hữu Thăng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinacafe Biên Hoà
    21. Ủy viên: Ông Trần Vinh – Quyền Viện Trưởng Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên
    22. Ban Thường vụ gồm 6 người, đó là Ông Nguyễn Nam Hải, Ông Thái Như Hiệp, Ông Đỗ Hà Nam, Ông Phan Xuân Thắng, Ông Bạch Thanh Tuấn và Ông Lê Tiến Hùng.
    23. Ban Kiểm tra gồm 3 người, đó là: Ông Lê Tiến Hùng (Trưởng ban), Ông Nguyễn Phi Khanh (Phó ban) và Bà Đinh Thị Phượng (Ủy viên).

Ảnh: Ban chấp hành Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam nhiệm kỳ X (2021-2024)

Bước vào nhiệm kỳ mới, trong điều kiện kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi nhưng chưa vững chắc do tác động chu kỳ và đại dịch Covid-19. Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ: Thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh, cùng với việc khẩn trương hoàn thiện Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đã được thực tiễn chứng minh là phù hợp, kịp thời và đang được các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tích cực triển khai thực hiện, đặc biệt là đổi mới về tư duy, phương pháp và cách thức tổ chức phòng, chống dịch theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thực hiện lộ trình từng bước mở cửa nền kinh tế. Về ngành cà phê Việt Nam, diện tích tái canh chuyển sang trồng cây khác, các vườn trồng xen mắc-ca, bơ, tiêu vượt quá mức cho phép nên số lượng cây cà phê trong vườn cà phê cũ giảm tới 20 – 30%. Trên thế giới cà phê Conilon của Brazil đang phát triển nhanh chóng, giá rẻ cạnh tranh với Robusta của Việt Nam. Tiêu thụ cà phê trong nước cũng bị ảnh hưởng do Covid-19, nhiều quán phải đóng cửa, khách du lịch không có. Đứng trước tình hình ngành cà phê của Việt Nam có nhiều thách thức xen lẫn cơ hội, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam đề xuất tiếp tục triển khai thực hiện thời kỳ mới phát triển cà phê với 2 mục tiêu: Một là giữ vững vị trí nước sản xuất và xuất khẩu cà phê nhân đứng thứ 2 thế giới. Hai là tăng giá trị gia tăng xuất khẩu cà phê rang xay hòa tan; nâng kim ngạch xuất khẩu lên 5 – 6 tỷ USD trong 15 năm tới bằng phương châm “năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng”. Cụ thể là:

    1. Nâng cao chất lượng cà phê để nâng giá trị gia tăng thông qua chương trình phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn thực hiện Đề án cấp chứng nhận nhãn hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao; phối hợp với các Bộ, Ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp liên quan triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động thuộc đề án “Tuyên truyền, quảng vá cho thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với thương hiệu ngành, chỉ dẫn địa lý.
    2. Tiếp tục kiến nghị tái canh để giữ vững diện tích và sản lượng cà phê giữ vị trí nước sản xuất và xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới.
    3. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại trong lĩnh vực xuất khẩu cà phê chế biến sâu vào các thị trường của Hiệp định EVFTA, UKVFTA và các nước khác có hiệp định FTA.
    4. Duy trì tổ chức Ngày Cà phê Việt Nam hàng năm để xúc tiến giao thương, và tuyên truyền, quảng bá thúc đẩy tiêu dùng cà phê trong nước.
    5. Tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế (ICO, GCP, ACA, ACF …) , các hiệp hội các nước trồng và tiêu thụ cà phê như Colombia, Indonesia, Ấn Độ, Brazil …để có giải pháp ổn định thị trường, hạn chế đầu cơ ép giá; Tiếp tục kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét ban hành quy chuẩn cà phê rang xay và hòa tan để đảm bảo sức khỏe và lợi ích của người tiêu dùng.
    6. Tiếp tục tổng hợp hồ sơ danh sách các doanh nghiệp Hội viên đề nghị Bộ Công thương xét công nhận doanh nghiệp đạt doanh nghiệp xuất khẩu uy tín và thương hiệu quốc gia. Phấn đấu nhiệm kỳ này được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất.

Để triển khai thực hiện được các mục tiêu Đại hội đề ra đòi hỏi sự nỗ lực đoàn kết chung tay của tất cả các Hội viên, đặc biệt là sự đóng góp của Ban Chấp hành nhiệm kỳ X./.

Nguồn: http://www.vicofa.org.vn/dai-hoi-tong-ket-nhiem-ky-ix-2017-2020-va-ban-phuong-huong-cong-tac-nhiem-ky-x-2021-2024-cua-hiep-hoi-ca-phe-ca-cao-viet-nam-vicofa-bid644.html

Exit mobile version