Sức ép đổi mới và áp dụng công nghệ cao trong sản xuất là thách thức đối với các doanh nghiệp cơ khí chế tạo Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang bùng nổ. Có thể thấy, cách mạng công nghiệp 4.0 đã không còn là một xu hướng mới mẻ, mà đã dần được định hình và phát triển đầu tư một cách nghiêm túc, hướng đến phát triển bền vững – đặc biệt là đối với ngành công nghiệp sản xuất và cơ khí chế tạo.
1.Tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo hiện nay
Ngành cơ khí – vốn được xem là một trong những ngành công nghiệp lâu đời nhất và cũng là ngành công nghiệp nền tảng, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội, đang có những bước phát triển mạnh mẽ.
Theo Hiệp hội gia công cơ khí Việt Nam, “Cách mạng công nghiệp 4.0” đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội tốt để Việt Nam có thể tận dụng để xử lý các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế đất nước và tái cơ cấu ngành công nghiệp. Tuy nhiên, khi sự đổi mới này đến và gõ cửa các doanh nghiệp trên khắp Việt Nam, chúng ta vẫn chưa có một tâm thế vững vàng cho sự đổi mới này.
Ngành công nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc số hóa và kết nối dữ liệu trong doanh nghiệp, ứng dụng các công nghệ và thiết bị thông minh trong dây chuyền sản xuất, sử dụng hệ thống quản lý dữ liệu, hoặc chưa bắt kịp các công nghệ tiên tiến như in 3D, robot sản xuất,… Hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp cơ khí chế tạo cần có những bước đi chiến lược và đầu tư bài bản để phát triển bền vững dựa trên nền tảng của Cách mạng công nghiệp 4.0.
2. Chính sách lâu dài
Theo ý kiến nhiều chuyên gia, hiện nay, thế giới đang phát triển đến trình độ công nghệ 4.0 thì ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu do thiếu hụt công nghệ mới trong một thời gian dài bởi nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như:
Đầu tư cho ngành cơ khí chưa tương xứng so với các ngành sản xuất khác.
Quản lý nhà nước đối với ngành cơ khí chế tạo chưa phù hợp dẫn đến tình trạng phát triển tự phát, cát cứ.
Mặt khác, do không có quy hoạch tổng thể cho từng ngành, từng địa phương nên dẫn tới phân tán nguồn lực, không thể hợp tác trong sản xuất.
Trước cơ hội song cũng chính là thách thức này, các doanh nghiệp cơ khí chế tạo nói riêng và ngành cơ khí nói chung cần lựa chọn hướng đi cho mình. Theo Hiệp hội cơ khí điện Việt Nam, trong cộng đồng doanh nghiệp cơ khí chế tạo đã có doanh nghiệp lớn có thể làm được những thiết bị đồng bộ, song số này rất ít.
Theo đó, các doanh nghiệp này phải tìm cho được những sản phẩm mà mình làm tốt nhất song không thể đầu tư đồng bộ, từ đó kết hợp với các doanh nghiệp thành viên khác để khai thác triệt để năng lực đầu tư của mình. Có như vậy ngành cơ khí mới có được sản phẩm có chất lượng theo yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
3. Chủ động nguồn nhân lực
Đào tạo nguồn nhân lực cơ khí chế tạo
Trong lúc chờ đợi các chính sách đường dài từ phía Nhà nước được xây dựng đồng bộ và phát huy hiệu quả, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cơ khí chế tạo cũng phải thay đổi và không thể chỉ thụ động ngồi chờ đợi. Để tận dụng kịp thời cơ hội và bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, lời khuyên được đưa ra cho doanh nghiệp là phải bắt đầu ngay từ những việc đơn giản nhất, thiết yếu và bền vững nhất là phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao.
Hiệp hội gia công cơ khí nhấn mạnh, tính khả thi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nên bắt đầu bằng bước đi thiết yếu nhất là đầu tư nguồn nhân lực. Sau đó các nhà sản xuất nên mạnh dạn đổi mới công nghệ. Để ứng dụng công nghệ mới, tự động hóa vào hoạt động sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả, các doanh nghiệp cơ khí chế tạo buộc phải tìm kiếm nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và kỹ năng làm việc, đặc biệt là các vị trí có liên quan trực tiếp đến sản phẩm dịch vụ như nghiên cứu phát triển, thiết kế sản xuất sản phẩm…
Thực tế cho thấy, doanh nghiệp trong ngành cơ khí cũng đã nhận thức được điều này và đang nỗ lực từng bước đổi mới công nghệ cũng như đào tạo con người để vận hành các trang thiết bị hiện đại. Các chế độ đào tạo nhân lực, các chính sách về chuyển giao công nghệ và những quy chế để sử dụng chuyên gia nước ngoài cũng như là đào tạo lực lượng tổng công trình kỹ sư trưởng cho ngành cơ khí đấy là điều hết sức cần thiết trong quá trình phát triển đặc biệt với công cuộc phát triển công nghệ 4.0.
Trước bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp cơ khí chế tạo cần thích ứng với những nhân tố mới xuất hiện, đặt ra những yêu cầu mới đối với việc phát triển ngành công nghiệp cơ khí. Để nâng cao sự cạnh tranh và tồn tại của các doanh nghiệp cơ khí trong nước, Hiệp hội gia công cơ khí cần có những giải pháp, chính sách mới đảm bảo. Nên việc đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0 là một quyết định sáng suốt.